Đề án nghiên cứu của TS Lê Ngọc Liễu chú trọng việc tinh lọc nhiên liệu sinh học từ rơm và các vật liệu phế thải. Chị tin rằng năng lượng là giải pháp then chốt nhất liên quan vấn đề dân số toàn cầu đang ngày càng gia tăng và năng lượng tái tạo là con đường tốt nhất cho vấn đề này.
Công trình nghiên cứu của TS Liễu đã tạo ra giải pháp tái tạo thực sự cho nhu cầu năng lượng của thế giới. Chị khẳng định lợi ích quan trọng nhất của các nguồn năng lượng tái tạo là giảm ô nhiễm môi trường. Các nhiên liệu lỏng, nhiên liệu sinh học vốn được tạo ra từ sinh khối có thể tái tạo, đang ngày càng trở thành nguồn nhiên liệu cho giao thông vận tải trong tương lai.
Ban Giám khảo đánh giá cao nghiên cứu của TS Liễu khi nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học như một nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, cũng như chú trọng phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng để tách lọc và tinh chế vật liệu sinh khối.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức kỷ niệm 10 năm trao giải thưởng, đã chọn 50 trong số hơn 200 nhà nghiên cứu từng được trao giải để vinh danh. TS Lê Ngọc Liễu là một trong số đó. Tới thời điểm này, chị là 1 trong 3 người Việt Nam được Bộ Giáo dục Đức trao giải.
Cô học trò trường làng
Sinh ra và lớn lên ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, TS Lê Ngọc Liễu là học sinh trường làng chính hiệu. Bố mẹ buôn bán nhỏ lẻ, quyết định theo nghề giáo của chị được cả nhà ủng hộ.
Chị Liễu bảo mỗi giai đoạn học tập của mình đều có những người thầy truyền động lực. Đó là cô giáo Diễm ở Trường THCS xã Gia Bình với những bài giảng về hiện tượng Vật lý đơn giản nhưng để giải thích ở phương diện khoa học rất thú vị. Thầy giáo Phụng dạy toán Trường THPT Trảng Bàng nói rằng “toán có khả năng tự học”. Những năm tháng học đại học và sau đại học ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì GS Mẫn hướng chị tới nghiên cứu khoa học như hôm nay.
|
TS Lê Ngọc Liễu từng nhận 2 giải thưởng quốc gia (EUREKA 2007 và VIFOTEC 2008).
2 giải thưởng quốc tế (Green Talents 2013 của Đức và IES Prestigious Engineering Achievement Award 2010 của Singapore).
Lọt vào vòng chung kết 2 giải thưởng quốc tế (ASEAN-US Science Prize for Women 2019 của ASEAN-US và Falling Wall Labs 2014 của Đức)
Tới nay chị đã công bố 17 bài báo danh mục Q1, trong đó 12 bài tác giả chính.
Chị Liễu cũng là tác giả chính 1 chương sách chuyên khảo NXB Elsevier; Tác giả chính 1 patent của Hoa Kỳ; chỉ số trích dẫn 900, chỉ số h-index: 14
|
Điều chị Liễu không nghĩ tới là dù tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ thực phẩm - đồ uống, đến khi nhận học bổng tiến sĩ của ĐH Quốc gia Singapore lại chuyển hướng nghiên cứu Công nghệ hóa học và sinh học phân tử. Đây là cơ duyên đưa chị tới thách thức mới, nhưng cũng mang lại những thành công.
Bị từ chối huớng dẫn vì tiếng Anh quá kém
Con đường nghiên cứu khoa học của chị không phải toàn hoa hồng. Điều cay đắng nhất đến giờ chị vẫn nhớ là bị những giáo sư ở ĐH Quốc gia Singapore từ chối huớng dẫn vì tiếng Anh kém.
“Là học sinh trường làng lại theo ngành kỹ thuật nên khả năng tiếng Anh của tôi khá kém. Hồ sơ tôi được Trường ĐH Quốc gia Singapore nhận vì thành tích khoa học chứ không phải vì tiếng Anh. Khi học tiến sĩ đòi hỏi phải có IELTS 6,5 nhưng cố hết mình tôi cũng chỉ lên được 6,0. Lúc ở ĐH Quốc gia Singapore tôi có xin thei một số giáo sư để làm nghiên cứu, thế nhưng mọi người đều không nhận. Sau đó khoa đề nghị tôi đi gặp GS Neal Chung. GS Chung nhìn hồ sơ của rất tốt nên ông gọi điện hỏi các GS khác tại sao lại từ chối thì họ nói rằng vì tiếng Anh của tôi không tốt, không thể giao tiếp được”- TS Liễu kể.
Tuy nhiên, lần này chị Liễu thấy mình may mắn vi được chính GS Chung nhận làm hướng dẫn. “Ông nói rằng tiếng Anh của ông cũng không tốt nên rất hiểu tâm lý của tôi. GS Chung đánh giá tôi là một người nghiên cứu tốt. Chính câu nói của ông đã cho tôi thêm động lực”- chị kể.
Nhận vào nhóm nghiên cứu, GS Chung cho cô Wang Yan - hiện là GS ở Trung Quốc - để hướng dẫn chị.
"Cô Wang Yan đã cho tôi nhiều bài học quý giá. Cô là người rất kiên nhẫn vì lúc này khả năng tiếng Anh của tôi cũng không tốt. Còn GS Chung không theo sát nhưng khi tôi cần gì ông đều sẵn sàng giúp đỡ ngay lập tức. Thậm chí ông có thể gửi email cho bất kỳ người nào để nhờ giải quyết vấn đề tôi cần. Sự hướng dẫn của GS Chung và cô Wang Yan giúp tôi hiểu mình nên trở thành một nhà giáo như thế nào”- chị kể.
Đến thời điểm hiện tại, TS Lê Ngọc Liễu vẫn khiêm tốn nhận mình không giỏi về giảng dạy mà chỉ có thể giúp sinh viên hiểu đủ bài. Dù vậy chị tâm niệm để bài giảng lôi cuốn đều xuất phát từ giảng viên. Với chị yếu tố đầu tiên cần ở sinh viên là sự chăm chỉ, thái độ học tập, còn lại mọi việc có thể giải quyết.
Đam mê nhưng không có nghĩa làm "sống chết"
Bảo vệ thành công tiến sĩ ở ĐH Quốc gia Singapore, chị Lê Ngọc Liễu được ĐH Khoa học và Công nghệ của đức vua Abdullah (Ả Rập Xê Út) mời về làm việc. Ở đây chị từng được trả mức lương sau thuế lên tới hơn 100 triệu đồng/ tháng.
Chị bảo phụ nữ một khi tìm được niềm đam mê trong nghiên cứu sẽ tự khắc nuôi tốt bản thân. Với chị, nghiên cứu là phải mở ra nhiều hướng và thử những cái mới.
Năm 2017, từ chối mức thu nhập hàng trăm triệu đồng, TS Liễu quyết định về nước đầu quân vào Trường ĐH Quốc tế. Ở đơn vị mới, thu nhập giảm hơn một nửa nhưng chị thấy may mắn khi được đồng nghiệp hỗ trợ. Trường cũng thực hiện cơ chế tự chủ nên đối đãi công bằng.
Nữ giải thưởng Quả cầu Vàng 2019 tự nhận mình là người nhiệt tình với sinh viên, yêu thích công việc và du lịch. Tới nay, chị đã đi trên 30 nước trên thế giới.
"Với tôi, nghiên cứu là đam mê nhưng sẽ tự cân bằng. Tôi rất thích câu nói “chỉ cần bạn muốn thì bạn sẽ tìm được cách để giải quyết vấn đề”. Tôi cũng rất biết cách yêu bản thân, cuộc sống” – chị nói.
Lê Huyền